Trở về nhà sau buổi gặp mặt cựu giáo chức nhân ngày Nhà giáo Việt Nam, nguyên Hiệu trưởng trường THCS Trần Văn Ơn (quận 1, TP HCM) Trần Mậu Minh ngồi lặng bên những cuốn lưu bút học trò viết tặng ngày ông nghỉ hưu 8 năm trước. "20/11 lại nhớ và thèm cảm giác đứng giữa sân trường với học trò nên tôi cứ coi đi coi lại", thầy giáo 67 tuổi nói.
Những trang lưu bút chi chít nét chữ tinh nghịch, những tấm thiệp hay bức tranh cổ thụ được vẽ bằng dấu vân tay của hàng trăm học sinh được ông giữ gìn cẩn thận. Ông bảo, đó là tài sản quý giá của mình sau gần 40 năm theo nghề giáo.
Nhà giáo Trần Mậu Minh. Ảnh: Mạnh Tùng.
|
Sinh ra tại Sài Gòn, từ nhỏ ông bươn chải kiếm sống cùng gia đình với nghề làm nệm ghế. Cấp một học trường Trương Minh Ký, lên cấp 2 và 3 chuyển về trường tư thục Bồ Đề. Học xong phổ thông, ông thi vào Đại học Khoa học, ngành Hoá - Lý với dự định phát triển nghề truyền thống của gia đình. Thế nhưng ông tham gia nhiều phong trào học sinh, sinh viên Sài Gòn và sau năm 1975 được Thành Đoàn phân công nhiệm vụ tiếp quản trường tư thục đã thành cái duyên với nghề giáo.
Ban đầu, ông quản lý trường Hưng Đạo, trường trung học tư thục lớn nhất thành phố thời bấy giờ. Năm năm sau, ông được chuyển công tác về trường Đồng Khởi (nay là THCS Đồng Khởi), được cử đi học nghiệp vụ sư phạm, rồi bổ nhiệm làm Hiệu trưởng trường Bồi dưỡng giáo dục năm 1990.
Ông được tiếp cận tin học từ rất sớm, khi khái niệm về máy tính ở thập niên 90 với hầu hết giáo viên thành phố còn mơ hồ. Ông Cao Minh Thì, khi đó là Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, sau chuyến tham quan Singapore đã quyết định mở lớp tin học cho hơn 20 cán bộ của ngành trên máy vi tính XT màn hình đen trắng, nhưng sau đó ít người còn gắn bó lĩnh vực mới mẻ này.
Một năm sau, ông Minh là người đầu tiên của ngành giáo dục TP HCM xử lý kỳ thi tốt nghiệp THCS bằng máy tính. Bằng vốn kiến thức tin học ít ỏi ban đầu, ông mày mò học hỏi, tự soạn giáo trình rồi bồi dưỡng môn học này cho nhiều cán bộ quản lý giáo dục ở quận.
Năm 1999, trường THCS Chu Văn An (tiền thân là trường Hưng Đạo) gánh thêm bậc THPT cho một trường cấp ba trong quận, đời sống giáo viên không đảm bảo, chất lượng dạy học cả hai cấp yếu kém. Do có nhiều thành tích trong quản lý ở các trường cũ, thầy Minh được cấp trên điều về Chu Văn An với nhiệm vụ "vực dậy" ngôi trường.
Hôm khai giảng, thấy học sinh phải ngồi bệt dưới sân trường, ông bàn với ban tài vụ mua ghế nhưng quỹ đã hết nên phải bỏ tiền túi ra mua. Trong nửa ngày sau ông cũng kêu người về xử lý khu nhà vệ sinh vì "học trò phải bịt mũi" mỗi khi sử dụng.
Thầy Minh kể lúc về trường công việc chồng chất, vừa chấn chỉnh nề nếp, vừa "đấu tranh" với lãnh đạo quận để chăm lo lương bổng cho giáo viên. Ông xin "trả" các lớp cấp ba trở về một trường THPT lân cận, rồi phát triển chuyên sâu bậc THCS. Từ các phòng học còn dư, ông làm các lớp học hai buổi, học bán trú.
Năm 2002, hầu như chưa trường nào ở thành phố ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học, trường Chu Văn An lại nổi lên như một điểm sáng. Ông Minh mở lớp dạy giáo viên thiết kế giáo án điện tử. Tiếng lành đồn xa, nhiều trường gửi người đến học hỏi, lãnh đạo quận 1 cũng đề nghị mở lớp để đào tạo giáo viên chủ chốt.
Nằm giữa khu Mả Lạng – điểm nóng ma tuý hồi đó, học sinh trường Chu Văn An không ít lần bị dụ dỗ. Mỗi lần như vậy, Hiệu trưởng Minh lại động viên, theo sát trò để chúng không bỏ học, không tái phạm. Phụ huynh của trường phần đông là lao động bình dân, nhiều người không đủ tiền đóng học phí cho con, ông đi xin tài trợ theo cách "một kèm một" - tức là một gia đình giàu hỗ trợ một học sinh nhà nghèo, để không em nào thất học. "Trong 3 năm trường Chu Văn An thành trường tiên tiến. Từ lúc phụ huynh sợ không dám cho con theo học thì đã xin cho con vào", ông Minh nói, vẻ tự hào.
Thầy Minh (bìa trái) và học sinh trường THCS Trần Văn Ơn trong một hoạt động xã hội. Ảnh: Tư liệu THCS Trần Văn Ơn.
|
Năm 2003 ông Minh được luân chuyển về làm Hiệu trưởng trường THCS Trần Văn Ơn - trường điểm của quận 1. Với kinh nghiệm ứng dụng tin học, ông tiếp tục có sáng kiến dạy học tự chọn theo dự án (PBL), cho học sinh tự tìm hiểu, trình bày chủ đề theo yêu thích. Ai giỏi tin học thì trình bày bằng powerpoint, ai chưa biết thì làm trên giấy khổ lớn.
Hồi đó ông còn được Giám đốc Microsoft Việt Nam mời tham gia giới thiệu dự án hợp tác trong giáo dục (PLI) rồi cùng sang Thái Lan tìm hiểu mô hình. THCS Trần Văn Ơn trở thành trường đầu tiên ở thành phố đưa PBL vào môn tự chọn cho học sinh, cả trường được học tin học, Internet.
Say mê giáo án điện tử, không ít lần ông suýt "gục" vì quá sức. Có hôm ông ngồi ở phòng làm việc rồi ngủ quên, thức dậy thì thấy trời sáng rồi. Có bữa đang làm việc thì phải đi cấp cứu, bác sĩ nói ông bị tràn dịch màng phổi.
Ở trường Trần Văn Ơn, cánh cửa phòng Hiệu trưởng luôn mở để học sinh nào cũng có thể vào chia sẻ, từ những bức xúc nhỏ nhất đến những lo âu tuổi mới lớn.
Thầy Minh trong một hoạt động của trường năm 2011. Ảnh: Tư liệu trường THCS Trần Văn Ơn.
|
Ngày nghỉ hưu hồi tháng 11/2012, ông nhận được hàng trăm trang lưu bút chia tay của học trò các khối. Học sinh nhắc những kỷ niệm với "ông giáo già" – biệt danh học trò đặt cho thầy Minh - với khuôn mặt đôn hậu, mái tóc bạc, giọng nói trầm ấm.
"Nhớ lắm hình ảnh khi thầy cho những chú bồ câu ăn, thân thiện và gần gũi làm sao", một nữ sinh lớp 8P viết. Nhiều em xem thầy như một người cha thứ hai. "Thầy ơi, con mãi nhớ thầy. Thầy ơi, thầy tuyệt vời nhất! Ước gì thầy mãi là thầy hiệu trưởng...", một nữ sinh khác viết.
Dù nghỉ hưu, ông vẫn đều đặn phân tích số liệu tuyển sinh lớp 10, dự báo tỷ lệ chọi ở từng trường mỗi năm. Xử lý dữ liệu rất lớn bởi học sinh thành phố đông, nhưng "phụ huynh mong mỏi quá nên không thể dừng". Có hôm làm số liệu xong thì mệt lả nhưng vẫn ráng lên Facebook trả lời từng thắc mắc của học sinh, phụ huynh.
Trong gần 40 năm theo nghề, hai lần ông được cất nhắc lên làm quản lý ở Sở Giáo dục và Đào tạo nhưng đều từ chối vì muốn được ở bên học trò. "Được nhiều học trò thương yêu như vậy thì còn gì hơn nữa", ông nở nụ cười, vân vê cuốn lưu bút.
Là người từng gắn bó lâu năm ở trường Trần Văn Ơn, cô Trần Thuý An (Hiệu trưởng trường THCS Minh Đức, quận 1) có nhiều kỷ niệm với "ông giáo già" Trần Mậu Minh. Ngày về trường, thầy đề xuất cô An làm tổ trưởng bộ môn Văn nhưng cô từ chối vì muốn đi học Thạc sĩ và sinh thêm bé thứ hai. Khi mọi việc đã hoàn thành, thầy lại giục "xong việc phải cống hiến chứ em" khiến cô không thể lần lữa trước nhiệt huyết của thầy. Cô nhận làm tổ trưởng rồi sau đó được bổ nhiệm làm Hiệu phó.
Hồi mới lên quản lý, chồng cô An không đồng ý vì vợ phải vất vả nhiều hơn trước. Thầy Minh làm bữa tối có vợ chồng ông, vợ chồng cô Hiệu phó mới về hưu và gia đình cô An. Mọi người động viên, chia sẻ nhiều khiến chồng cô thông cảm với công việc của vợ. "Những ngày tháng tôi được làm việc với thầy Minh rất đáng trân trọng. Thầy là người sống tình cảm, yêu thương học trò và được phụ huynh rất yêu quý", cô An nói.
Tin liên quan:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét