Mọi người cứ luôn mãi dự đoán kết cục của thế giới. Trong Kitô giáo, thời tận thế được liên hệ với những ức đoán về lời hứa của Chúa Giêsu khi Ngài thăng thiên, là Ngài sẽ sớm trở lại và đưa lịch sử đến hồi viên mãn, thiết lập vương quốc bất diệt của Thiên Chúa. Từ đó, đã có nhiều ức đoán về kết cục của thế giới.
Chuyện này đầy dẫy trong thế hệ Kitô hữu đầu tiên. Họ sống trong ma trận những kỳ vọng mãnh liệt, dự tính rằng Chúa Giêsu sẽ trở lại trước khi nhiều người trong họ qua đời. Thật vậy, trong Phúc âm theo thánh Gioan, Chúa Giêsu đã bảo đảm với các môn đệ rằng một số người trong họ sẽ không nếm cái chết trước khi được thấy Nước Thiên Chúa. Ban đầu, điều này được diễn giải là một số người trong họ sẽ không chết trước khi Chúa Giêsu trở lại và ngày tận thế.
Và họ đã sống với kỳ vọng này, tin tưởng rằng thế giới sẽ đến hồi kết trước khi họ chết. Không ngạc nhiên khi điều này dẫn đến những suy tưởng cánh chung: Đâu là những dấu chỉ báo hiệu tận thế? Sẽ có những điềm lạ lớn lao trên mặt trăng và mặt trời? Sẽ có động đất dữ dội và chiến tranh lan tràn khắp thế giới báo trước ngày tận thế? Nhưng các Kitô hữu tiên khởi tin rằng mình phải sống tỉnh thức, cảnh giác, để bất kỳ lúc nào ngày đó đến, họ sẽ không ngủ quên, thiếu chuẩn bị, hoặc chè chén say sưa.
Tuy nhiên, khi năm tháng qua đi, và Chúa Giêsu vẫn chưa tái lâm, thì họ bắt đầu biến đổi cách hiểu, nên đến thời Phúc âm theo thánh Gioan được viết ra, có lẽ khoảng 70 năm sau khi Chúa Giêsu chết, các Kitô hữu tiên khởi bắt đầu hiểu khác đi. Giờ họ hiểu rằng lời hứa của Chúa Giêsu về việc một số người đồng thời với Ngài sẽ không phải nếm cái chết trước khi được thấy Nước Thiên Chúa, đồng nghĩa với người đó được đổ tràn Thần Khí Thiên Chúa. Thật vậy, Chúa Giêsu đã trở lại và thế giới vẫn chưa chấm hết. Và họ bắt đầu tin rằng, ngày tận thế không nhất thiết phải xảy đến.
Nhưng như thế không thay đổi sự tập trung của họ vào việc tỉnh thức và sẵn sàng. Nhưng giờ lời mời gọi sống tỉnh thức đó được liên hệ nhiều hơn đến chuyện chúng ta không biết giờ nào mình sẽ chết. Như thế, lời mời gọi sống tỉnh thức bắt đầu được hiểu là một lời mời của Chúa muốn chúng ta sống trọn vẹn cuộc đời ngay lúc này, và đừng để bị ru ngủ bởi áp lực của cuộc sống thường nhật, đừng chìm trong ăn uống, mua bán, lấy vợ gả chồng. Tất cả mọi sự bình thường, dù tự thân chúng là tốt, nhưng có thể ru ngủ chúng ta bằng cách giữ chúng ta không thật sự lưu tâm đến cuộc đời của mình.
Và đấy là thách thức cho mỗi một người chúng ta. Lo lắng thật sự của chúng ta không nên là chuyện thế giới này đột nhiên tận thế, hoặc việc chúng ta bất thần chết đi. Nhưng điều đáng lo là việc chúng ta sống rồi chết đi, mà không thật sự yêu thương, không thể hiện tình yêu của mình cho đúng, và không cảm nghiệm sâu sắc niềm vui sống đích thực, bởi đang quá vùi mình trong công việc và những áp lực cuộc sống nên không bao giờ sống cho trọn vẹn được.
Do đó, sống tỉnh thức và cảnh giác trong Kinh Thánh, không phải là việc sống trong sự sợ hãi thế giới này sẽ sụp đổ hay sợ ngày chết. Đúng hơn, đây là vấn đề yêu thương và hòa giải những mối bận tâm chính của mình, là chuyện biết tri ân, cảm kích, kiên quyết, tha thứ, xin lỗi, và lưu tâm hơn đến những niềm vui sống trong cộng đồng nhân loại và trong vòng tay Chúa.
Đức Phật đã cảnh báo về một thứ ngài gọi là “uể oải.” Chúng ta uể oải là khi chùng người xuống. Bất kỳ những mệt mỏi, lười biếng, khủng hoảng, lo lắng, căng thẳng, hay áp lực quá dộ đều có thể đánh gục trạm gác của chúng ta và biến chúng ta thành uể oải. Nhưng điều đó cũng có thể xảy đến cách thể lý và tinh thần. Chúng ta có thể để sự bận rộn, áp lực, lo lắng, lười biếng, căng thẳng, và bồn chồn đánh gục tư thế tinh thần của mình, để rồi “ngủ thiếp đi” và không còn tỉnh thức cảnh giác nữa.
Chúng ta cần phải tỉnh thức, chứ không phải uể oải. Nhưng đừng lo về chuyện tận thế hay giờ mình sẽ chết. Điều đáng lo là tình trạng của chúng ta khi cái chết tìm đến. Như Kathleen Dowling Singh đã viết trong quyển sách Nét đẹp của Già đi (The Grace in Aging) rằng: “Thật lãng phí khi đi vào giờ hấp hối, mà mang trong đầu những suy nghĩ và phản ứng lo lắng nhỏ nhặt cũ.”
Nhưng còn về chuyện lúc nào sẽ đến ngày tận thế thì sao?
Tôi cho rằng, có lẽ, bởi Thiên Chúa là vô cùng vô tận, nên ngày tận thế sẽ không bao giờ đến. Bởi sự sáng tạo và tình yêu vô hạn có bao giờ có giới hạn đâu? Có bao giờ tình yêu vô hạn nói rằng: “Đủ rồi! Thế thôi! Đây là giới hạn của tình yêu và sáng tạo!” Không. Tình yêu và sáng tạo của Thiên Chúa là vô cùng vô tận.
Rev. Ron Rolheiser, OMI
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét