Một câu chuyện vui kể rằng, trong buổi hội thảo giao lưu với đề tài tha thứ tại một giáo xứ nọ, vị Linh mục hỏi những người có mặt, ai trong số họ sẵn sàng tha thứ cho kẻ thù. Tất cả mọi người đều giơ tay, trừ một ông lão ngồi bên dưới.
– Chẳng lẽ cụ không thể tha thứ cho kẻ thù của mình ư?
– Tôi không có kẻ thù.
– Thật là đức độ. Thế cụ bao nhiêu tuổi rồi?
– 90 tuổi.
– Cụ hãy cho mọi người biết bí quyết sống đến 90 tuổi, mà không có một kẻ thù nào.
– Ông lão cao giọng nói: “Chỉ có một cách là phải tiêu diệt hết lũ chúng nó mà thôi!”
Sống trên đời, giữa chúng ta có nhiều khác biệt về tuổi tác, sở thích, quan điểm. Cuộc sống trần gian cũng là một mớ hỗn độn những cạnh tranh, bon chen, tính toán. Sự cạnh tranh bon chen trở nên nghiệt ngã, tới mức người ta loại trừ nhau. Trong lãnh vực thương mại ngày nay, người ta hay nói: “Thương trường là chiến trường.” Tưởng chừng đơn giản, nhưng đó là một thứ lý luận nguy hiểm, cho thấy sự ích kỷ tới mức hoang dã. Vì trong chiến trường, người lính phải đối diện với quân thù. Họ buộc phải giết đối phương để sống, vì không còn chọn lựa nào khác. Tuy vậy, trong thương trường, mưu mô gài bẫy để hủy diệt và loại trừ người khác là một thứ thương mại vô đạo đức. Danh từ “kẻ thù” được dùng để chỉ những người đối nghịch với mình. Người bị gọi là “kẻ thù”, tức người đó trở nên mối nguy hiểm cho người khác. Trong quan niệm thông thường, người ta chủ trương “không đội trời chung” với kẻ thù.
Nhưng, không kể nơi chiến trường máu lửa, thì kẻ thù là ai? Suy cho cùng, kẻ thù là người không đồng quan điểm với chúng ta. Sự khác biệt nơi những cá nhân đáng lẽ tạo ra một cuộc sống phong phú đa dạng, thì trong nhiều trường hợp lại là nguyên cớ dẫn tới đối nghịch, hiềm thù. Kết án một người là “kẻ thù” nhiều khi do chủ quan và do cái nhìn phiến diện. Nhiều người coi mình là mẫu mực, là tiêu chuẩn cho cách đối nhân xử thế, nên người nào không giống mình thì họ kết án là “kẻ thù.” Do quan niệm này, trong xã hội của chúng ta, biết bao mâu thuẫn và thậm chí có những án mạng đã xảy ra. Có những người coi nhau như kẻ thù, khi đang cùng nhau ngồi trên bàn nhậu, hay khi cùng tham dự một tiệc cưới, và vì một câu nói hay một mâu thuẫn nhỏ đã trở thành sát nhân, lấy đi mạng sống của người đồng bàn. Sự ích kỷ tham lam đã biến các thành viên trong cùng một gia đình thành kẻ thù không đội trời chung. Những anh chị em cùng máu huyết, chỉ vì vài mét vuông đất, hoặc vì không hài lòng do việc chia tài sản thừa kế, đã coi nhau như kẻ thù. Họ kiện nhau ra tòa án và không còn muốn nhìn mặt nhau. Trong bối cảnh xã hội hôm nay, người ta dễ quên tình huynh đệ, bằng hữu, làng xóm thân cận, để biến thành kẻ thù.
Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu đã mời gọi chúng ta, không chỉ yêu mến những ai làm ơn cho mình, nhưng còn yêu thương và tha thứ cho kẻ thù. Đọc Phúc Âm, chúng ta thấy, Chúa Giêsu có những đối phương. Đó là một số người biệt phái và luật sĩ. Họ là những người luôn dò xét để chỉ trích cách sống của Chúa, nhất là tương quan của Người với các tội nhân. Tuy vậy, mặc dù lên án họ với những lời nói gắt gao, không bao giờ Chúa coi họ là những kẻ thù. Chúa muốn chỉ cho họ thấy quan niệm cực đoan của họ. Người cũng mời gọi họ có cái nhìn thiện cảm với các tội nhân. Bởi lẽ, là con người, không ai hoàn thiện. Chúa cũng muốn cho họ hiểu sứ mạng của Người khi đến trần gian là để cứu vớt các tội nhân, như thày thuốc chăm sóc và giúp cho bệnh nhân được lành. Người kêu gọi: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính” (Mt 5,44-45). “Yêu thương kẻ thù” là nét ưu việt của Kitô giáo. Trong Cựu ước, người Do Thái áp dụng luật “mắt đền mắt, răng đền răng”, tức là được phép làm cho người khác đúng như mức độ họ đã gây ra thiệt hại cho mình. Khái niệm “đồng loại” trong luật Cựu ước có ý chỉ người Do Thái, còn những người khác thì không phải đồng loại. Lời giáo huấn của Chúa Giêsu làm thay đổi quan niệm truyền thống này, đồng thời hướng tới sự tha thứ không giới hạn. Chính Chúa đã thực hiện điều Người rao giảng, khi chịu treo trên thập giá. Trong hơi thở yếu ớt lúc sắp lìa trần, Người xin Chúa Cha tha thứ cho những kẻ hành hình mình, vì họ không biết việc họ làm (x. Lc 23,34). Noi gương Chúa Giêsu, Thánh Têphanô Phó tế, vị tử đạo tiên khởi của Kitô giáo, cũng đã cầu nguyện cho những kẻ ném đá mình (x. Cv 7,60). Lời cầu nguyện ấy nói lên sự tha thứ mà vị tử đạo dành cho những người giết hại mình. Sự tha thứ ấy đã đem lại cho vị tử đạo sự bình an và thanh thản tâm hồn.
Cầu nguyện và tha thứ cho những người làm hại mình, chúng ta cũng nỗ lực để đừng trở nên “kẻ thù” của những người xung quanh. Có những người đã trở nên nỗi ám ảnh đối với môi trường sống, ví dụ hiện tượng ngày càng nhiều thanh niên “ngáo đá” do dùng ma túy. Họ trở nên nỗi sợ cho gia đình và làng xóm, khu phố. Nhiều người khác, do lối sống thực dụng, dùng mưu mô mánh lới lừa đảo, bất chấp danh dự và quyền lợi của người khác, sẵn sàng dùng mọi thủ đoạn để chiếm đoạt tài sản, lỗi đức công bằng. Họ đang biến mình thành “kẻ thù” của những người xung quanh.
Để sống một cuộc đời bình an, Ông Bà chúng ta dạy: hãy thêm bạn bớt thù. Đáng tiếc, trong bối cảnh xã hội hôm nay, người ta đang có khuynh hướng làm ngược lại. Thay vì hợp tác huynh đệ để cùng nhau giảm thiểu tội ác, chung sống hòa bình, thì người ta muốn hủy diệt và loại trừ nhau. Ông cụ 90 tuổi trong câu chuyện ở đầu bài viết không có kẻ thù, không phải vì ông quảng đại tha thứ, nhưng nếu ai làm mất lòng ông thì ông sẵn sàng giết họ.
Lấy oán hận đáp lại oán hận, thì hận thù sẽ chồng chất. Giáo lý Phật giáo cũng dạy: “Hận thù diệt hận thù. Đời này không có được. Không hận, diệt hận thù. Là định luật ngàn thu” (Tức là đem hận thù diệt hận thù hay lấy oán trả oán thì oán càng thêm. Còn không đem oán trả oán thì đó mới là định luật ngàn thu). Quảng đại tha thứ, từ bỏ hận thù, chung sống huynh đệ, đó là điểm gặp gỡ chung giữa Kitô giáo và Phật giáo.
Thánh Phanxicô đã cầu nguyện với Chúa: “Xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa” (Kinh Hòa bình). Ước chi mỗi Kitô hữu chúng ta trở nên những khí cụ bình an trong cuộc sống chao đảo và đầy bạo lực này. Trước khi trở nên khí cụ bình an, mỗi chúng ta phải cảm nghiệm sự bình an tâm hồn qua việc sẵn lòng tha thứ cho anh chị em mình.
“Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34). Đó là lời cầu nguyện của Chúa Giêsu trên thập giá. Ước chi đó cũng là lời cầu nguyện của chúng ta, mỗi khi chúng ta bị xúc phạm hoặc khinh chê. Chúng ta chỉ có thể thốt lên lời cầu nguyện này, nếu cuộc sống chúng ta thấm đượm tinh thần của Tin Mừng, và Lời Chúa luôn cư ngụ dồi dào trong tâm hồn chúng ta, nhờ đó, chúng ta có cái nhìn yêu thương như cái nhìn của Chúa và trái tim quảng đại như trái tim của Người.
ĐTGM Giuse Vũ Văn Thiên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét