Triết gia Soren Kierkegaard đã từng viết, bản văn Tin Mừng mà ông thấy rõ mình trong đó, là câu chuyện kể các môn đệ sau khi Chúa Giêsu chết, họ tự giam mình trong phòng vì sợ, rồi họ trải nghiệm Chúa Giêsu đi qua cánh cửa bị khóa để ban bình an cho họ. Kierkegaard muốn Chúa Giêsu làm như vậy với ông, đi qua các cánh cửa bị khóa của ông, sự cự lại của ông và để ông được hít thở sự bình yên trong Ngài.
Hình ảnh các cánh cửa bị khóa là một trong hai hình ảnh đặc biệt thú vị trong câu chuyện về ngày Phục sinh đầu tiên. Hình ảnh kia là hình ảnh tảng đá lớn đã chôn Chúa Giêsu. Các hình ảnh này nhắc chúng ta nhớ những gì thường tách chúng ta ra khỏi ơn sống lại. Đôi khi để ân sủng này đi tìm chúng ta, thì ai đó “phải lăn tảng đá” và đôi khi sự sống lại đến với chúng ta qua cánh cửa bị khóa.
Trước hết, về “tảng đá:
Các Tin mừng cho chúng ta biết rằng vào sáng sớm Phục sinh, ba phụ nữ đang trên đường đến mộ Chúa Giêsu, họ mang theo dầu thơm để ướp xác Ngài nhưng họ lo lắng không biết làm sao lăn tảng đá đã bít chặt mộ Ngài. Họ hỏi nhau: “Ai sẽ lăn hòn đá cho chúng ta?”
Và như chúng ta biết, hòn đá đã được lăn. Cách nào? Chúng ta không biết. Không có ai ở đó khi Chúa Giêsu sống lại. Không ai biết chính xác hòn đá đó đã lăn đi như thế nào. Nhưng điều mà Kinh thánh làm rõ là: Chúa Giêsu không tự sống lại. Chính Thiên Chúa đã làm cho Chúa Giêsu sống lại. Chúa Giêsu không lăn hòn đá, đó là điều chúng ta thường nghĩ như vậy. Tuy nhiên, và vì lý do chính đáng, cả Kinh Thánh và truyền thống Kitô giáo đều khẳng định mạnh mẽ, Chúa Giêsu không tự mình sống lại từ cõi chết, Chúa Cha đã làm cho Chúa Giêsu sống lại. Điều này có vẻ như là điểm không cần thiết để nhấn mạnh; nhưng rốt cuộc, nó có gì khác biệt?
Điều này làm một sự khác biệt rất lớn. Chúa Giêsu không tự mình sống lại từ cõi chết và chúng ta cũng không thể. Đó là mục đích. Để sức mạnh của sự sống lại thấm nhập vào chúng ta, một thứ gì đó từ bên ngoài chúng ta phải loại bỏ tảng đá khổng lồ bất động của sự cự lại của chúng ta. Đây không phải để phủ nhận chúng ta không có thiện chí và sức mạnh cá nhân; nhưng những điều này, dù quan trọng, không còn là điều kiện tiên quyết để nhận được ân sủng của sự sống lại, mà chính do sức mạnh của sự sống lại, luôn đến với chúng ta từ bên kia. Chúng ta không bao giờ tự mình lăn được tảng đá!
Ai có thể lăn tảng đá? Có lẽ đây là câu hỏi chúng ta đặc biệt quan tâm, nhưng chúng ta nên hỏi… Chúa Giêsu đã bị táng xác và bất lực không thể tự dậy, cũng vậy đối với chúng ta. Giống như các phụ nữ trong ngày Phục sinh đầu tiên, chúng ta cũng lo lắng hỏi: “Ai sẽ là người lăn tảng đá cho chúng ta?” Chúng ta không thể tự mở mộ cho mình.
Thứ hai, các cánh cửa của chúng ta đã bị khóa:
Thật thú vị khi thấy các tín hữu của ngày Phục sinh đầu tiên này trải nghiệm Chúa Kitô phục sinh trong cuộc sống của họ. Các Tin mừng cho chúng ta biết, họ bị hãi sợ và hoang mang bao trùm nên họ ở trong phòng khóa cửa lại, chỉ muốn tự bảo vệ mình, Chúa Kitô đi qua cánh cửa bị khóa của họ, cánh cửa của sợ hãi, của tự bảo vệ và truyền bình an cho họ. Họ họp nhau lại trong sợ hãi không phải là họ không có ý chí hay không có đức tin. T rong thâm tâm, họ thật lòng mong mình không sợ, nhưng thiện ý này không phải lúc nào cũng mở cánh cửa của họ. Chúa Kitô bước vào và ban bình an cho họ dù họ cự lại, dù nỗi sợ hãi và cánh cửa bị khóa của họ.
Các điều này không thay đổi gì từ hai ngàn năm nay. Là cộng đồng Kitô hay cá nhân, chúng ta vẫn đang loay hoay trong sợ hãi, lo lắng về bản thân, không tin tưởng, không được bình an, cánh cửa của chúng ta bị khóa, ngay cả khi trái tim chúng ta mong muốn hòa bình và tin tưởng. Có lẽ, giống như triết gia Kierkegaard, chúng ta muốn được đặc ân như đoạn Sách Thánh này, khi Chúa Kitô sống lại đi qua các cánh cửa bị khóa do con người cự lại, và thổi bình an đến cho chúng ta.
Hơn nữa, năm nay, vào thời điểm đặc biệt khi coronavirus Covid 19, đã khóa các thành phố và cộng đồng chúng ta và chúng ta cách ly trong ngôi nhà riêng của mình, đối diện với các tâm trạng hụt hẫng, mất kiên nhẫn, sợ hãi, hoảng loạn và buồn chán. Và đây, lúc này chúng ta cần một chút gì đó để sống phục sinh, một hòn đá cần phải được lăn đi để cuộc sống được hồi sinh, để có thể đi qua cánh cửa bị khóa của chúng ta và để mang bình an đến cho chúng ta.
Vào cuối ngày, hai hình ảnh, “tảng đá phải được lăn” và “các cánh cửa của nỗi sợ chúng ta” hàm chứa trong chính nó sự thật an ủi nhất của mọi tôn giáo bởi vì chúng tiết lộ điều này về ân sủng của Chúa: Khi chúng ta không thể giúp chính mình, chúng ta vẫn có thể được giúp đỡ và khi chúng ta bất lực để vươn ra, ân sủng vẫn có thể đi qua các bức tường cự lại của chúng ta và mang bình an đến cho chúng ta. Chúng ta cần phải bám lấy điều này mỗi khi chúng ta bị đổ vỡ không thể cứu vãn được trong cuộc sống chúng ta, khi chúng ta cảm thấy bất lực trong các vết thương và nỗi sợ hãi, khi chúng ta cảm thấy bị tổn thương về mặt tinh thần và khi chúng ta đau buồn vì người thân yêu bị nghiện ngập hoặc tự tử. Chúa Kitô phục sinh có thể đi qua các cánh cửa bị khóa và đẩy đi bất cứ hòn đá nào chôn chúng ta, nhốt chúng ta, dù vô vọng đối với chúng ta như thế nào.
Rev. Ron Rolheiser, OMI
--
You received this message because you are subscribed to the Google Groups "SuyNiemHangNgay2" group.
To unsubscribe from this group and stop receiving emails from it, send an email to suyniemhangngay2+unsubscribe@
To view this discussion on the web visit https://groups.google.com/d/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét