Thứ Năm, 14 tháng 11, 2019

DIỄN TỪ VỀ GIÊRUSALEM ĐỔ NÁT



Đứng trên sườn đồi núi Cây Dầu nhìn xuống, các môn đệ trầm trồ khen ngợi vẻ đẹp lộng lẫy và hùng tráng của đền thờ, óng ánh trong nắng vàng.  Đền thờ Giêrusalem quả là đẹp.  Nó được vua Hêrôđê Cả xây từ năm 20 trước Công Nguyên và chỉ hoàn tất vào năm 63 sau Công Nguyên.  Nền móng của nó được xây bằng những tảng đá khổng lồ, mà một trong những khối đá cân nặng không dưới 370 tấn.

Theo lời sử gia Lamã, Tacite: “Đền thờ giầu sang chưa từng thấy, những đá cẩm thạch, đồ vàng, màn trướng, đồ gỗ ốp tường chạm trổ và những đồ vật quý dâng cúng, làm cho các khách hành hương phải thán phục.  Người ta nói: “Người nào không nhìn thấy Giêrusalem trong vẻ huy hoàng của nó, người ấy không bao giờ thấy niềm vui.  Người nào chưa bao giờ nhìn thấy đền thờ, người ấy chưa bao giờ nhìn thấy một thành phố thực sự đẹp.”

Có thể đây là những lời hơi quá, nhưng dầu sao người Do Thái rất tự hào về sự tráng lệ của đền thờ.  Hơn nữa, đối với họ, đền thờ còn là một dấu chỉ minh nhiên sự hiện diện của Thiên Chúa, Thiên Chúa ở với dân Người nơi đền thờ.  Còn đền thờ, còn giao ước; mất đền thờ, dân tộc họ cũng sẽ diệt vong.

Trước sự ngưỡng mộ chính đáng đó, Đức Giêsu bảo: “Những gì anh em đang chiêm ngưỡng sẽ có ngày bị tàn phá, không còn tảng đá nào trên tảng đá nào.”  Chính vì lời này, Thượng Hội Đồng đã kết án tử (Mt 26,61).  Đức Giêsu biết điều đó nhưng Người không hòa theo sự thán phục của các môn đệ, Người phi bác sự tin tưởng của con người cho rằng, các công trình của họ luôn trường tồn bền vững.  Người cho biết mọi sự chỉ là tạm bợ, dù là những công trình đẹp nhất của nhân loại: Mọi sự sẽ bị tàn phá, đền thờ sẽ bị phá hủy.

Các môn đệ muốn biết khi nào xảy ra và có điềm gì báo trước?  Đức Giêsu không cho biết, Người chỉ giúp họ can đảm và bình thản đón nhận biến cố bằng cách cảnh giác ba điều:

1.     Đừng tin những kẻ mạo danh Người

Trong thời gian giữa cái chết của Hê-rô-đê năm thứ tư trước công nguyên và những tàn phá Giêrusalem vào năm 70 rồi năm 135, nhiều người Do Thái tự cho mình là ngôn sứ cuối cùng, hoặc Đấng Messia.  Sử gia Joseph Flavius gọi họ là những tên bịp bợm, những tên cướp cạn có tham vọng thành lập vương quốc của Đấng Messia.  Luca trong sách công vụ có kể tên hai người trong bọn họ: Theodas, người Do Thái đã lôi cuốn được chừng 400 đồ đệ (Cvsđ 5,36).  Và một người Ai Cập đã lôi cuốn được 4000 người đi theo (Cvsđ 21,38).

Đức Giêsu cảnh giác phải đề phòng những kẻ mạo danh Ngài, khi họ nói: “chính Ta đây”, đừng tin.

2. Đừng tin ngày thế mạt đã đến gần

Ngày 30-8-70, tướng Titus đem đại quân đến vây thành Giêrusalem.  Sau một thời gian vây hãm, hàng triệu người bị giết và chết đói, một tên lính cầm một dùi lửa, ném vào trong khuôn viên đền thờ, lửa bốc cháy kinh khủng, không sao dập tắt được, Đền thờ Giêrusalem bị phá huỷ.  Trước biến cố đó, nhiều người nghĩ, ngày thế mạt đã đến gần.  Đức Giêsu cảnh giác: Đừng tin, Người loại bỏ mọi tương quan giữa hai sự kiện.  Theo Luca, nếu người ta gắn liền biến cố đền thờ bị phá huỷ với ngày thế mạt, đó là một hiểm họa, vì sẽ làm cho các Kitô hữu háo hức nghe theo ảo giác của những ngôn sứ giả, của những kẻ bịp bợm cho rằng ngày thế mạt đã gần kề, Nước Thiên Chúa sắp tỏ hiện trong vinh quang, Con Người sẽ ngự xuống trên mây trời.  Các lời loan báo như thế tạo nên một cơn sốt tạm bợ, sẽ gây thất vọng và khủng hoảng đức tin, người ta sẽ sống trong chờ đợi, không làm gì, vì thế Đức Giêsu nói: Đừng tin họ.

Thực vậy, sau khi đền thờ Giêrusalem bị tàn phá, vua Adrien ra lệnh đào tận gốc vết tích đền thờ cũ và xây lên trên một ngôi chùa thờ thần Jupiter.  Năm 363, vua Giulianô, một người bỏ đạo, cháu Constantin Đại Đế, muốn cho lời Chúa hết linh nghiệm đã cho phép người Do Thái xây lại đền thờ, nhưng có lửa từ dưới nền móng bốc lên thiêu rụi thợ xây.  Công việc bỏ dở và ngày nay trên nền Đền thờ cũ là một giáo đường Hồi giáo, đền Omar.  Đến 2005, Đền thờ Giêrusalem bị tàn phá, ngày thế mạt chưa đến, chỉ biết rằng, giữa hai thời kỳ đó là thời của dân ngoại dầy xéo lên đền thờ, bao giờ tận cùng, không ai biết.

2.     Đừng sợ những kẻ bách hại

Đức Giêsu không giấu gì các môn đệ.  Người nói với họ, mọi sự rồi sẽ rất khó khăn.  Khi nói về thế giới, Người rất thực tế, Người nói đến chiến tranh loạn lạc, động đất, dịch bệnh, đói kém.  Khi nói về công việc rao giảng Tin mừng, Người cho biết, họ sẽ bị bách hại, tù đầy, phản bội thù ghét, giết chóc, và kẻ thù có thể chính là người nhà.  Trước những thảm họa và tai ương đó, có thể dễ dàng khiến các Kitô hữu thất vọng và cho rằng họ là những nạn nhân.

Nhưng Đức Giêsu bảo, đó không phải là tai họa, song là cơ hội để người tín hữu làm chứng cho Người và cho Tin mừng.  Trong cảnh tối tăm cần có ánh sáng, trong sai lầm cần có chân lý, trong thù hận cần có yêu thương, trong chiến tranh cần có hoà bình, và trong bách hại cần có chứng tá của Tin mừng.  Trước những bách hại, người Kitô hữu đừng lo phải đương đầu thế nào?  Hãy ghi lòng tạc dạ: “Chính Thầy sẽ ở cùng anh em, sẽ cho anh em nói thật khôn ngoan, khiến tất cả địch thù của anh em không tài nào chống chọi hay cãi lại được” (Lc 21,14-15).

Lạy Chúa, chúng con đang sống trong một thế giới luôn thay đổi, đầy những thảm họa, xin cho chúng con luôn an tâm trong tình yêu Chúa và được hưởng sự bình an mà thế giới này không thể mang lại. Chúng con cầu xin.

Lm. Giuse Nguyễn An Khang

Jesus weeps over Jerusalem - Enrique Simonet-1892.jpg

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét