Thứ Năm, 7 tháng 11, 2019

MẦU NHIỆM CÁNH CHUNG



Trong những Chúa nhật cuối cùng của năm phụng vụ, Giáo hội mời gọi chúng ta suy nghĩ về cuộc sống mai sau, cuộc sống mà chúng ta đang vươn hướng tới.  Nghĩ về cái chết và cuộc sống mai hậu không phải là một thái độ mang vẻ bi quan, nhưng ngược lại, đây là cách thức để khơi dậy niềm hy vọng và giúp chúng ta sống cuộc sống hiện sinh cho thật ý nghĩa.  Chúng ta vẫn tuyên xưng đức tin khi đọc kinh Tin kính: “Tôi trông đợi kẻ chết sống lại và sự sống đời sau.”  Đó là niềm hy vọng cánh chung của mọi Kitô hữu, bởi vì chết không phải là hết.  Cái chết không kết thúc cuộc sống chúng ta một cách vô nghĩa, nhưng nó chính là cửa ngõ đưa dẫn chúng ta vào cuộc sống vĩnh hằng.  Đây cũng là sứ điệp mà các bài đọc Lời Chúa hôm nay gợi mở.

Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại.

Trong bài Tin mừng hôm nay, Thánh Luca thuật lại cuộc tranh luận giữa Chúa Giêsu và nhóm Saducêo.  Nhóm này không tin có sự sống lại.  Đối với họ, chết là một dấu chấm hết.  Những người Saducêo đưa ra câu chuyện giả định và có tính ngụy tạo về một phụ nữ có 7 đời chồng để gài bẫy Đức Giêsu.  Nếu Chúa trả lời có sự sống lại, thì không thể giải quyết vấn đề ai là chồng chính thức của người phụ nữ ấy trong cuộc sống mai sau, còn nếu Chúa trả lời không, đương nhiên họ có thêm một đồng minh.  Tình thế tiến thoái lưỡng nan.  Câu trả lời của Chúa Giêsu là một khẳng định chắc chắn mang tính thần khải về sự sống lại trong ngày sau hết.  Tuy nhiên Ngài không nói rõ cuộc sống ấy sẽ như thế nào, vì tâm địa hẹp hòi của người Do thái lúc bấy giờ chưa thể lãnh hội được chân lý của mầu nhiệm.  Ngài chỉ cho họ biết rằng trong đời sống mới, con người sẽ sống như các thiên thần, không còn chuyện dựng vợ gả chồng như cuộc sống hôm nay.  Chúa cũng từ từ vén mở cho chúng ta biết về thực tại cánh chung.  Trong cuộc sống mai hậu sẽ không còn khổ đau và chết chóc, bởi vì con người đi vào cuộc sống trường cửu.

Thời cựu ước, tư tưởng về cuộc sống mai sau rất mờ nhạt.  Sách Macabê là quyển sách đầu tiên nói về sự sống lại.  Bảy anh em nhà Macabê đã can đảm tiếp nhận cái chết với niềm tin tưởng này.  Trước khi lìa đời, họ đã nói với vua Antiôkhô: “Chúng tôi chết vì luật pháp của vua vũ trụ, nên Người sẽ cho chúng tôi sống lại để hưởng sự sống đời đời (2Mac 7, a)” hoặc “Thà chết vì tay người đời đang khi dựa vào lời Thiên Chúa mà hy vọng sẽ được Người cho sống lại.  Còn vua, vua sẽ không được sống lại để hưởng sự sống đời đời đâu” (c.14).  Sau này, khi Guiđa thắng trận và thu gom các tử thi, ông đã gom tiền gửi về Giêsusalem để dâng lễ tạ tội cầu cho những người đã chết.  Tác giả thư Macabê còn chú thích thêm: “Thật thế, nếu ông không hy vọng rằng những chiến binh đã ngã xuống sẽ sống lại, thì cầu nguyện cho kẻ đã chết quả là việc dư thừa và ngu xuẩn (2 Mac 12,44).  Niềm tin về sự sống lại mai sau được Đức Giêsu dần dần khai sáng.  Thánh Phaolô đã nhắc đi nhắc lại về niềm tin này, như trong Rm chương 8; Rm 6,8; 1 C 15,20-23; 2 C4, 14-15; Pl3, 20; 2Tm2,8-13 v.v...

Mọi người đều phải chết

Để chuẩn bị cho cuộc sống mai sau, chúng ta phải đi qua cái chết.  Đây là một thực tại mà không ai có thể trốn tránh.  Ngày xưa vua Tần Thủy Hoàng đã sai phái cả ngàn y sĩ tài giỏi đi khắp nơi săn lùng những thang thuốc quý để ông được trường sinh bất tử, nhưng cuối cùng ông cũng phải chết giống như mọi người.  Biết bao anh hùng hào kiệt đã lẫy lừng một thời, được mọi người ca tụng như những vĩ nhân ‘đời đời sống mãi’, nhưng tất cả cũng đều đã chết.  Xác của họ có đặt trong những lăng tẩm nguy nga để mọi người đến kính viếng, cũng chỉ là một nắm xương khô mà thôi.  Triết học kinh điển của Hy Lạp nổi tiếng với tam đoạn luận ‘Mọi người đều phải chết, Socrate là người, nên(ergo) Socrate cũng phải chết’.  Tam đoạn luận ấy cũng được ứng dụng cho mỗi người trong chúng ta.

Là Kitô hữu, chúng ta chuẩn bị đón nhận cái chết như thế nào.

Triết gia Jean Guitton, bạn thân của Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô đệ nhị có kể lại một giai thoại.  Hồi còn bé, ban đêm ông ngủ bên mẹ.  Nhà hàng xóm bên cạnh có người chết.  Giữa đêm khuya vắng, có tiếng khóc não nuột vang lên.  Đứa bé sợ quá ôm chầm lấy mẹ.  Nó hỏi mẹ: “Mẹ ơi, chết là gì hả mẹ?”  Câu hỏi của đứa bé khiến bà mẹ trẻ lúng túng không biết trả lời làm sao.  Bà bật ngồi dậy vào bàn và mở Kinh Thánh ra đọc.  Trong Tin Mừng Gioan, bà đọc thấy đoạn viết: “Trước lễ Vượt qua, Đức Giêsu biết giờ của Ngài đã đến, Ngài phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha.  Ngài vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Ngài yêu thương họ đến cùng” (Ga 13,1).  Gấp sách lại, bà trở về giường nói với đứa trẻ: “Con ơi, chết là trở về với Chúa Cha và yêu thương đến cùng.”  Đây là khuôn mẫu từ cái chết của Chúa Giêsu để giúp chúng ta suy gẫm và chuẩn bị đón nhận cái chết nơi mình.  Khi mang thân phận con người, Chúa Giêsu đã từng run sợ khi đối diện trước cái chết.  Ngài sợ đến mức độ mồ hôi và máu toát ra.  Tác giả thơ Do Thái đã viết: “Khi còn sống kiếp phàm nhân, Đức Giêsu đã lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện nài xin Đấng có quyền năng cứu Người khỏi chết.  Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ (Dt5,7).  Mọi người chúng ta cũng vậy, theo bản năng tự nhiên, ai cũng sợ hãi khi tiếp cận cái chết.  Nhưng với niềm tin và lòng yêu mến, chúng ta sẽ chiến thắng.  Thánh Phaolô đã khẳng quyết: “Tình yêu mạnh hơn sự chết’’ (Rm 8, 39).  Thánh nữ Têrêsatrên giường hấp hối đã nói với các chị em trong cộng đoàn: “Em sắp chết, nhưng không phải em chết mà em đang tiến về cõi sống.”  Mới đây người ta cho đăng hình một nữ tu rất xinh đẹp, lúc nào trên môi cũng nở nụ cười cho dầu đang phải chiến đấu chống lại những đau đớn do bệnh ung thư.  Vị nữ tu này khi chết, trên gương mặt xinh xắn vẫn nở một nụ cười rất tươi.  Người phụ nữ trẻ này đã an bình trở về với Chúa và kết thúc cuộc hành trình trần gian không một chút lưu luyến.

Kết luận:
Một linh mục nọ tổ chức tại giáo xứ một lễ an táng khá đặc biệt.  Ngài báo trước từ lâu để đông đảo mọi người đến tham dự.  Giữa nhà thờ ngài đặt một cỗ quan tài.  Theo truyền thống, trước khi đưa thi hài ra phần mộ, quan tài được mở nắp để từng người đến tiễn biệt người quá cố lần cuối.  Nhưng khi mọi người nhìn vào quan tài để xem người nằm trong đó là ai, họ không thấy gì, chỉ thấy một tấm gương lớn, phản chiếu chính khuôn mặt của họ.  Vị linh mục chú thích: “Mỗi ngày anh chị em hãy tự mai táng chính mình.”

Thiên Chúa là tình yêu.  Nếu chúng ta sống sung mãn trong tình yêu, chúng ta sẽ trở nên bất tử vì được thông dự vào bản tính củaThiên Chúa, là Đấng không bao giờ chết.  Đây là phương cách giúp chúng ta thực hành để đạt đến sự bất tử trong cuộc sống vĩnh hằng mai sau.

Lm. GB. Trần Văn Hào

Angels are with us.jpg
Vùng tệp đính kèm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét